Tổ yến là thực phẩm quý hiếm và bổ dưỡng, thường chỉ xuất hiện trong các buổi yến tiệc của giới vua quan quý tộc trước đây.
Vào những mùa sinh sản trong năm, chim yến thường xây tổ cho mình để chuẩn bị “nằm ổ” và chúng thường xây khoảng 35 ngày. Khi “xây”, chim yến dùng nước dãi được tiết ra từ cặp tuyến dưới lưỡi thành những phiến mỏng bện vào nhau và sau đó dính trên những vách đá cheo leo hay mỏm núi hiểm trở. Chính bởi sự chiết xuất ra những phiến yến mỏng trên vách núi không hề nhiều, việc khai thác ngoài tự nhiên quá khó khăn, nguy hiểm mà loại tổ yến tự nhiên này được coi là thần dược vô cùng quý hiếm.
Từ khi người ta biết rằng có thể làm nhà cho loài chim yến hoang dã vào ở để thu lợi từ tổ ấm của chúng thì nó đã trở thành 1 nghề. Giá trị kinh tế cao và đắt đỏ của tổ yến được ví như Vàng Trắng. Nghề “nuôi” yến cũng là nghề được mệnh danh là nghề “bạc tỷ”. Nhiều người cho rằng, dẫn dụ chim yến là nghề “một vốn bốn lời”, vì không cần đầu tư chăn nuôi, chăm lo nguồn thức ăn, chỉ bỏ tiền xây nhà dụ yến về ở thì loài chim trời này mang đến nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Nghĩ là “dễ ăn” bởi chỉ nặng vốn ban đầu, chim tự bay đi ăn, chiều về treo mỏ lên lam ngủ, khi chúng làm tổ thì mình thu hoạch, bán ra thị trường vài chục triệu đồng/kg yến thô. Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 10/2019, nước ta có 42/63 tỉnh thành có nuôi chim yến với tổng số 24.352 nhà yến. Năm 2017, số lượng nhà yến của nước chỉ có 8.300 nhà. Như vậy chỉ trong 2 năm, số lượng nhà yến đã tăng hơn 300%.
Tuy nhiên, nghề xây nhà dụ yến không chỉ đơn giản là “xây nhà rồi đợi yến vào ở” mà đòi hỏi kiến thức và kỹ thuật cao, cũng như sự đầu tư ban đầu tương đối “may rủi”. Không phải ai đầu tư vào nghề yến cũng thành công. Không ít gia đình bỏ tiền tỷ đầu tư xây nhà dẫn dụ chim yến nhưng thất bại vì sai kỹ thuật, yến không đến làm tổ. Mặt khác, nơi mật độ chim yến thấp thì lỗ vốn, nơi mật độ chim yến cao lại thường có nhiều nhà yến xây trước đó. Bên cạnh đó, môi trường kiếm ăn dần bị thu hẹp do đô thị hóa, nạn săn bắt yến lấy thịt, phóng sinh… cũng đang diễn ra nên thực tế nghề yến không còn là nghề đầu tư hấp dẫn.
Chim yến là loài chim hoang dã, và ưa thích sự yên tĩnh hoang sơ do đó cách nuôi chim yến cũng không giống với các loại chim thông thường. Những người nuôi yến thành công được là do họ đã phải kỳ công theo dõi & nghiên cứu cuộc sống, tập tính sống của yến. Điều này nhằm tạo ra những căn nhà đáp ứng các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, hướng gió…gần giống nơi ở của yến trong tự nhiên.
Dụ được chim yến về trú ngụ, lập đàn đã khó, duy trì đàn không để yến sợ bay đi mất, và phát triển đàn cũng đòi hỏi sự công phu và chăm chút thường xuyên. Người nuôi yến phải liên tục theo dõi môi trường bên trong nhà yến qua các thiết bị cảm ứng chuyên dụng để duy trì độ ẩm, nhiệt độ cũng như các thiết bị tạo âm thanh, tạo mùi hương bầy đàn quen thuộc của yến. Chỉ cần 1 yếu tố trên có sự biến động nhỏ cũng có thể làm cho đàn yến bất an và bay đi tìm nơi trú ẩn mới.
Đầu tư cả tỷ đồng, hồi hộp trông từng con yến về. Nếu may mắn, phải hơn 1 năm sau, khi đã quen chỗ rồi chúng mới bắt đầu làm tổ. Rồi dần dần số lượng đàn tăng lên. Phải 7-8 năm sau lượng tổ yến thu hoạch ổn định được. Thế để thấy một tổ yến nhỏ xinh đến tay khách hàng là chắt chiu chất tinh túy của tự nhiên và công sức của con người như thế nào.